Phải làm gì để an ủi ai đó đang trong cảnh đau thương?

Oneway.vn - Có bao giờ bạn chứng kiến một người thân yêu đang chống chọi với bệnh tật, hoặc đang trải qua một sự tổn thương vô cùng tàn khốc, bạn muốn giúp họ nhưng không biết phải làm gì? 

Nhưng miệng tôi sẽ khích lệ các anh, lời an ủi từ môi tôi sẽ xoa dịu nỗi đau của các anh. (Gióp 16:5)

Vợ của bạn tôi mới chỉ ngoài 40 nhưng phải sống trong viện dưỡng lão được 2 năm rồi. Và bạn tôi cũng ở đó. Mỗi ngày suốt 20 tiếng đồng hồ, anh ngồi trên chiếc ghế dựa, lắng nghe tiếng của người vợ rên rỉ, nhìn cảnh vợ mình nhìn chằm chằm vào khoảng không mà không có bất cứ chuyển động nào. Anh chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày để theo dõi tình hình vợ mình. Chưa nói đến sự quan tâm, săn sóc, hãy thử tưởng tượng cảm xúc của người chồng khi nhìn vợ mình trong hoàn cảnh như vậy?

Không chỉ đau buồn mà thôi, bạn tôi còn gặp khủng hoảng vì sự mặc cảm. Tại sao vợ mình lại nằm trên giường như vậy còn mình thì ngồi đây? Nhưng tận sâu thẳm bên trong, tình yêu giúp anh có thêm động lực. Anh muốn điều tốt nhất cho vợ mình, nhưng anh không hề thích ở lại Viện dưỡng lão. Anh và những người bạn của mình đã cầu nguyện khẩn thiết, xin Chúa cho vợ mình được yên nghỉ.

Tại sao lại như vậy Chúa ôi? Hai người họ là những tôi tớ trung tín với Ngài từ thời thơ ấu. Họ là những người đi thăm viếng và giúp đỡ những ông bà trong viện dưỡng lão, tham gia tích cực trong các sinh hoạt của Hội Thánh, luôn dành thời gian, tiền bạc để giúp đỡ những Cơ Đốc nhân khác. Tại sao Ngài lại để cô ấy mắc bệnh nan y như vậy? Cô ấy vốn là thủ quỹ Hội Thánh, cũng là một ca sĩ thường xuyên hát ca ngợi Ngài và truyền tải sứ điệp yêu thương, tha thứ của Tin Lành đến cho nhiều người. Ngài đã chữa lành cho biết bao nhiêu người, xin Chúa cũng hãy chữa lành cho cô ấy, còn nếu đó không phải là ý muốn của Chúa, xin Ngài đem cô ấy về nước Thiên đàng.

Dù chúng tôi đã khẩn thiết kêu cầu Chúa giúp đỡ, nhưng cô bạn tôi vẫn nằm đó, bên cạnh người chồng thuỷ chung của mình.

Bệnh Dementia, hay còn gọi là hội chứng suy giảm trí nhớ thường tấn công hai nạn nhân vô tội cùng một lúc. Trong Cẩm nang chăm sóc người bệnh Alzheimer, Tiến sĩ Sally Burbank và đồng tác giả Sue Bell, người có chồng chết vì Alzheimer, đã cho người đọc thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc của căn bệnh chết chóc này và những tác động tàn khốc của nó đến cuộc sống. Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 5,5 triệu người mắc bệnh Alzheimer. Và những người mắc bệnh thì thường sống được thêm 7 năm nữa.

Không một ai chứng kiến cảnh tượng ấy lại không xót xa, đồng cảm. Tôi muốn mình phải làm gì đó. Tuy nhiên, tôi không thể thay đổi điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi buồn bực và thất vọng. Tôi muốn ngăn chặn căn bệnh đang tiêu diệt cả 2 người bạn của tôi. Tôi muốn khuyên anh bạn của tôi về nhà nghỉ ngơi để có sức khỏe và tinh thần tiếp tục chiến đấu, nhưng làm thế nào tôi có thể chia cắt cặp đôi đã thề nguyện trước Chúa và Hội Thánh là dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, dù no đủ hay ốm đau, họ vẫn luôn bên nhau.

Sự đồng cảm hay ý tốt không phải lúc nào cũng tốt. Chúng ta còn nhớ trường hợp của Gióp phải không? Vì không hề biết Chúa đã cho phép Sa-tan làm hại Gióp, những người bạn của ông nghĩ rằng họ phải thuyết phục Gióp tìm ra nguyên nhân, xem ông đã làm gì sai trái để phải chịu hậu quả này. Nhưng trong trường hợp này, Gióp đã đúng:

“Những điều như thế tôi đã nghe nhiều rồi; tất cả các anh đều là những kẻ an ủi gây bực bội. Các lời viển vông nầy không bao giờ dứt sao? Điều gì thúc giục anh nói mãi không ngưng? Nếu các anh ở vào hoàn cảnh của tôi, tôi cũng có thể nói như các anh; tôi cũng sửa soạn lời lẽ chống lại các anh, và lắc đầu nhìn các anh. Nhưng miệng tôi sẽ khích lệ các anh, lời an ủi từ môi tôi sẽ xoa dịu nỗi đau của các anh”.


Những người bạn của Gióp đã không hiểu và họ cũng không thể hiểu. Vì họ không đặt mình trong hoàn cảnh của Gióp. Có lẽ chúng ta ngày nay cũng vậy, chứng kiến quá nhiều đau đớn, bất công từ những người thân yêu, bạn bè nhưng không biết dùng lời gì để an ủi. Điều chúng ta có thể làm là hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện và đừng bao giờ có suy nghĩ xét đoán vì bạn không phải là họ.

Khi nhắn tin, thăm viếng, an ủi những người đang đau đớn trong thân thể vì bệnh tật, hoặc đang tổn thương trong tấm lòng, không phải lúc nào chúng ta cũng nên đưa ra lời khuyên, đóng góp ý kiến. Đôi khi chỉ cần sự hiện diện của bạn là đủ rồi. Bạn chỉ cần ở đó và cho họ biết rằng bạn luôn bên cạnh họ trong mọi cảnh ngộ.

Dịch: P.T
(Nguồn: cbn.com)